Skip to content Skip to navigation

Sinh viên Sài Gòn 'hẹn' ăn trưa cùng hiệu trưởng

Thay vì gặp nhau ở văn phòng, ban giám hiệu cùng sinh viên sẽ ăn trưa trò chuyện, giải tỏa những vướng mắc.

Nguyễn Hồng Sơn (sinh viên năm 2 khoa Mạng máy tính và Truyền thông) trưa 12/3 cùng TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang (Hiệu phó Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TP HCM) gặp nhau tại nhà ăn của trường. Hai người gọi cơm phần rồi ngồi bàn, bắt đầu buổi gặp trong chương trình Ăn trưa cùng hiệu trưởng được đại học này lần đầu triển khai.

"Vừa qua môn tiếng Anh dạy một buổi 5 tiết thì nay đã được giãn ra, buổi học nhẹ hơn nhưng trường lại tăng số buổi học. Nhiều bạn do đó cũng bị kẹt khi đăng ký môn", Sơn băn khoăn. Hay vấn đề khác là cách hiểu về thời hạn nộp và công nhận chứng chỉ Anh văn của trường đang có sự khác nhau.

Sơn và thầy Khang (phải) ăn trưa cùng nhau. Ảnh: Mạnh Tùng.

Chăm chú lắng nghe, TS Khang nói, tiếng Anh là một mối quan tâm lớn của hầu hết sinh viên bởi đây là một tiêu chuẩn đầu ra. Năm trước, trường tổ chức sáu hội nghị sinh viên cấp khoa và trường thì hầu hết đều bàn về chuyện học môn này.

Do nhiều sinh viên khóa trước tốt nghiệp không đúng tiến độ (vướng môn Anh văn) nên trường phải tăng số lượng buổi học, học phí giữ nguyên. "Thầy hiểu băn khoăn của Sơn cũng như nhiều bạn, thầy sẽ làm việc lại với phòng đào tạo. Lúc nào Anh văn các em đạt chuẩn đầu ra, nộp chứng chỉ là được công nhận ngay", Phó hiệu trưởng nói. Ngoài ra, ông còn chia sẻ với nam sinh cách học tiếng Anh sao cho hiệu quả.

Tiếp đó, Sơn đề cập một số khó khăn của người học với quy định điểm danh của trường, hệ thống wifi bị chậm do quá tải. Cậu cũng chia sẻ với Phó hiệu trưởng việc không dùng điện thoại thông minh (smartphone) dù bản thân là dân công nghệ thông tin, bởi lo lắng sẽ bị xao nhãng việc học.

Thầy hiệu phó cười rồi trấn an, điểm danh không phải là làm khó sinh viên, trái lại đó là cách tạo cho người học có thói quen tốt và trách nhiệm hơn trong việc học. Ông Sơn nhìn nhận wifi tại một số khu vực trong trường yếu, song cơ bản là phủ khắp nơi, đáp ứng tốt nhu cầu của sinh viên. Ông mong mọi người thông cảm nếu hệ thống này đôi lúc chập chờn.

TS Khang cũng khuyên học trò tự tin dùng điện thoại thông minh bởi nó mang lại nhiều tiện ích trong cuộc sống và học tập. "Em ý thức được rằng nó có thể khiến mình xao nhãng nếu quá lạm dụng, tức là em đã làm chủ được nó", ông nói.

Buổi gặp gỡ, cơm trưa giữa hai người trở nên cởi mở hơn với nhiều chia sẻ về gia đình, những mối quan tâm khác trong cuộc sống. Nam sinh nhận được nhiều lời khuyên từ thầy Khang với tình huống khó xử trong quan hệ gia đình, xã hội. "Theo quy định, chi phí bữa ăn do hai bên cùng chi trả. Nhưng đây là buổi đầu của chương trình, thầy đề nghị được mời em, em đồng ý không?", hiệu phó hỏi và nhận được lời cảm ơn của sinh viên.

Chương trình Ăn trưa cùng hiệu trưởng được ban giám hiệu Đại học Công nghệ Thông tin ấp ủ từ lâu và chính thức triển khai từ đầu tháng 3. Mục tiêu của chương trình là không gian chia sẻ, kết nối giữa người học và ban giám hiệu, làm "mềm" công tác sinh viên.

Sinh viên khi có nhu cầu sẽ đăng ký trực tiếp với phòng Công tác sinh viên. Họ được sắp xếp lịch ăn trưa cùng đại diện ban giám hiệu vào thứ ba và thứ tư hằng tuần.

TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang cho rằng, khoảng cách giữa người học và người quản lý trong trường đại học ở Việt Nam còn khá lớn. Nhiều vấn đề nảy sinh trong công tác dạy học, khi không có sự phản hồi kịp thời sẽ dẫn đến những hệ quả xấu.

Việc lắng nghe, thấu hiểu sẽ giúp cải tiến những bất cập, từ đó môi trường giáo dục sẽ dần tốt lên. "Thay vì không khí nghiêm túc trong phòng làm việc thì ngồi ở nhà ăn, sinh viên sẽ thoải mái, chia sẻ nhiều hơn", TS Khang nói.

Nguồn: vnexpress.net