Tiếp nối thành công của các năm trước, “VANJ 2020 - hội nghị Khoa học và Công nghệ trong trạng thái bình thường mới” là nơi để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia và trí thức cùng tham gia và thảo luận về các khía cạnh khác nhau của khoa học và công nghệ. Năm nay, với bối cảnh COVID- 19 đang ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các quốc gia và người dân trên thế giới, một trong những trọng tâm quan trọng của VANJ 2020 là định hướng con đường hiện thực hóa và đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân và tăng trưởng kinh tế ổn định trong trạng thái “Bình thường mới” của thời kỳ hậu COVID, trong đó khoa học và công nghệ đang giữ vai trò chủ đạo.
Mạng lưới học thuật Việt Nam tại Nhật Bản - VANJ (Vietnamese Academic Network in Japan) được thành lập từ năm 2016 do sự phát triển nhanh chóng của cộng đồng các chuyên gia học thuật Việt Nam tại Nhật Bản cũng như các sinh viên Việt Nam trở về từ Nhật Bản, tự hào là cầu nối thúc đẩy hợp tác trí tuệ và tình hữu nghị giữa hai nước. Hội nghị VANJ 2020 với chủ đề “Science and Technology in the New normal” thu hút nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia cùng tham gia và thảo luận các khía cạnh khác nhau trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Nhóm sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM với công trình nghiên cứu "Deceive Intrusion Detection System with GAN and Function-Preserving on Adversarial Samples in SDN-enabled networks" đã được Hội nghị VANJ 2020 (Vietnamese Academic Network in Japan) chấp nhận trình bày báo cáo và trao tặng “Giải thưởng Nghiên cứu trẻ xuất sắc” (Excellent Young Research Award).
Đây là đề tài nghiên cứu khoa học đến từ nhóm sinh viên gồm 3 thành viên của lớp ANTN2016, ANTN2017: Lê Khắc Tiến, Đặng Hồng Quang, Cao Phan Xuân Quí, ngành An toàn thông tin - Khoa Mạng máy tính và Truyền thông (UIT) thực hiện với sự hướng dẫn của nhóm nghiên cứu InSecLab (PTN ATTT).
Công trình này vốn là một trong hai khía cạnh của đề tài Nghiên cứu "GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG AN NINH TRONG MẠNG THÀNH PHỐ THÔNG MINH KHẢ LẬP TRÌNH SỬ DỤNG MẠNG SINH ĐỐI KHÁNG VÀ BLOCKCHAIN" đến từ nhóm sinh viên ngành An toàn thông tin - Khoa Mạng máy tính và Truyền thông (UIT) đã vào Vòng Chung kết "Giải thưởng khoa học Euréka 2020".
Với kết quả ban đầu khả quan như trên, đây được xem là một hướng nghiên cứu tiềm năng trong việc ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực An ninh mạng, tại Phòng thí nghiệm An toàn thông tin mà các bạn sinh viên từ năm 2 trở đi có thể tham gia tìm hiểu và bắt đầu nghiên cứu. Cụ thể, ở bài báo này: Nhóm sinh viên tìm hiểu và thực nghiệm mô hình mạng sinh đối kháng (Generative Adversarial Networks - GAN) trong việc phát sinh ra các mẫu dữ liệu tấn công có thể qua mặt được các trình phát hiện xâm nhập, tấn công (IDS) vốn được xây dựng trên các thuật toán học máy. Các IDS này được mô phỏng trong môi trường mạng khả lập trình (SDN).
Nguồn: Phòng Thí nghiệm An toàn thông tin - InSec Lab