Skip to content Skip to navigation

Nhóm sinh viên UIT có bài báo đăng trên Hội nghị khoa học quốc tế SoICT 2023

Vừa qua, nhóm sinh viên ngành An toàn Thông tin đã có bài báo được chấp nhận đăng tại Hội nghị khoa học quốc tế SoICT 2023. Bài báo có tên “BlazeSearch: A multimodal semantic search engine for retrieving in-video information for AI Challenge HCMC 2023”.

Nhóm nghiên cứu bao gồm các thành viên: Ngô Đức Hoàng Sơn (Tác giả chính); Nguyễn Hùng Thịnh; Bùi Vương Tâm Anh; Phan Hoàng Phước; Trần Thị Cẩm Giang. Theo nhóm nghiên cứu, việc tìm kiếm, khám phá thông tin đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Tuy các công cụ tìm kiếm đã thể hiện được khả năng của mình nhưng vẫn bị giới hạn trong việc tìm kiếm trang web hoặc hình ảnh. Trong khi đó, khả năng tìm kiếm thông tin trong video cũng là điều vô cùng cần thiết, cần được thử nghiệm, nghiên cứu thêm nhằm nâng cao sức mạnh của công cụ tìm kiếm.

Trong bài, nhóm nghiên cứu đã điều tra tiềm năng của các công cụ tìm kiếm thông tin trong video bằng cách giới thiệu BlazeSearch. Đây là một công cụ tìm kiếm đa phương thức được thiết kế nhằm tìm kiếm các khung hình video với văn bản đầu vào đơn giản. Bằng cách tận dụng mô hình OpenCLIP, mô hình ưu việt hơn cho tác vụ truy xuất văn bản hình ảnh, công cụ tìm kiếm của chúng tôi có thể được đảm bảo độ tin cậy và độ chính xác.

Từ cơ hội tham gia thử sức trong Hội thi Thử thách Trí tuệ Nhân tạo (AI Challenge) Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023, nhóm nghiên cứu đã được tiếp xúc và lên ý tưởng cho bài nghiên cứu này.

Nhóm sinh viên ngành An toàn Thông tin đã có bài báo được chấp nhận đăng tại Hội nghị khoa học quốc tế SoICT 2023

Chia sẻ với UITNews, anh Ngô Đức Hoàng Sơn - tác giả chính bài báo cho rằng truy vấn thông tin trong video là lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của con người trong thời điểm truyền thông đa phương tiện phát triển mạnh mẽ như hiện tại. Hơn nữa, đây là một lĩnh vực mới mẻ mà nhóm muốn được nghiên cứu nhiều hơn nhằm phục vụ cuộc thi cũng như học hỏi thêm nhiều kiến thức cho bản thân.

“Hiện nay, khi mà các mạng xã hội video đang bùng nổ, việc có thể tìm kiếm thông tin ở trong video là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, các công cụ tìm kiếm nổi tiếng hiện nay chỉ cho phép tìm kiếm video với các thông tin cơ bản chứ chưa thật sự tìm kiếm thông tin trong nội dung của video”, anh Sơn cho biết.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện bài báo nhằm khám phá tiềm năng của việc truy vấn thông tin trong video bằng cách xây dựng một công cụ tìm kiếm thông tin trong video ứng dụng trí tuệ nhân tạo với tên gọi là “BlazeSearch”. Công cụ tìm kiếm của nhóm sử dụng một câu ngắn (tiếng Việt và tiếng Anh) là đầu vào và trả về kết quả là các hình ảnh tại thời điểm khớp với thông tin đầu vào với tốc độ tìm kiếm cao và vẫn đảm bảo được độ chính xác.

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm cũng gặp phải không ít khó khăn. “Mình và bạn Nguyễn Hùng Thịnh đều có chuyên ngành là An toàn Thông tin nên đã gặp khó khăn khi phải tiếp xúc với một lĩnh vực hoàn toàn mới là ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên và xử lý ảnh. Hơn nữa, 3 bạn Tâm Anh, Hoàng Phước, Cẩm Giang đều là chưa có kinh nghiệm. Vì vậy, việc làm việc nhóm sao cho hiệu quả cũng là một thách thức lớn cho nhóm”, anh Sơn chia sẻ thêm.

Để vượt qua những khó khăn đó, các thành viên trong nhóm đã cùng nhau nỗ lực học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thực hiện bài báo. Bên cạnh đó, sự dẫn dắt, hỗ trợ và định hướng của một người từng có kinh nghiệm nghiên cứu như anh Sơn cũng giúp cho nhóm làm việc hiệu quả hơn. Đặc biệt là khi nhóm nghiên cứu đều là thành viên của 1 CLB thuộc phòng Thí nghiệm An Toàn Thông Tin nên đã được tư vấn, góp ý của thầy cô, thành viên trong phòng thí nghiệm.

Anh Sơn cho biết, lần nghiên cứu này anh đã được tìm hiểu cũng như học hỏi một lĩnh vực hoàn toàn mới lạ. Song song với đó, nhóm cũng đã có một hành trình đầy thú vị trong cuộc thi AIC HCMC 2023 - tiền đề của bài báo khoa học này, và đạt được giải khuyến khích của cuộc thi. Đây là một trải nghiệm cực kì mới mẻ và hứng thú với các thành viên trong nhóm, đặc biệt là với các thành viên nhỏ tuổi.

Đại diện nhóm nghiên cứu, anh Hoàng Sơn bày tỏ sự biết ơn đến anh Nguyễn Hữu Quyền – Chủ nhiệm TeamQ – CLB Wanna.W1n đã hỗ trợ rất nhiều cho nhóm về kiến thức, tinh thần cho trong suốt quá trình tham dự AIC HCMC 2023 và cả quá trình nghiên cứu. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ, đóng góp ý kiến từ thầy Phạm Văn Hậu, thầy Phan Thế Duy, thầy Nghi Hoàng Khoa, anh Đoàn Minh Trung và các thầy cô, anh chị trong phòng Thí nghiệm An toàn thông tin, Nhà trường.

SoICT 2023 là hội nghị khoa học quốc tế chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông, bao gồm các lĩnh vực nghiên cứu quan trọng: Nền tảng AI và Dữ liệu lớn, Các công nghệ mạng và truyền thông, Xử lý hình ảnh và ngôn ngữ tự nhiên, Kỹ thuật phần mềm, Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ kỹ thuật số, An toàn thông tin, Truy vấn Thông tin sự kiện từ Video.

Thu Hoài