Mới đây, bạn Nguyễn Đặng Đức Mạnh, sinh viên năm 2, ngành Khoa học Máy tính đã có bài báo được chấp nhận đăng tại Hội nghị quốc tế SOICT 2023. Bài báo có tên “Lite FPN_SSD: A Reconfiguration SSD with Adapting Feature Pyramid Network Scheme for Small Object Detection”.
Nguyễn Đặng Đức Mạnh - sinh viên năm 2, ngành Khoa học Máy tính
Được biết, đây là lần đầu tiên Đức Mạnh thực hiện một bài báo khoa học. Với tính ham học hỏi, Mạnh nhanh chóng xác định định hướng của bản thân, bắt đầu học về “Machine Learning” và sau đó là lĩnh vực thị giác máy tính.
Trước đó, Mạnh tìm đến bài toán nhận diện hành động theo thời gian thực sử dụng một open-source toolbox là MMACTION2. Tuy nhiên sau thời gian cân nhắc và trao đổi cùng những người hỗ trợ, Mạnh quyết định chọn bài toán nhận diện vật thể cho dự án chính thức đầu tiên của mình.
Nam sinh 2k4 cho rằng việc tham gia viết bài báo khoa học giúp bạn có cơ hội học và làm quen được rất nhiều kiến thức: từ cách quản lý môi trường tới việc dùng GitHub, học ngôn ngữ lập trình mới (Python), framework và các thư viện mới (PyTorch, Numpy, openCV …), làm quen với việc đọc và cách trình bày vấn đề trong các bài báo nghiên cứu.
“Trong quá trình thử nghiệm mô hình của mình, phải nói gần như tới 90% các lần thử đều thất bại và cho ra kết quả dưới mức mong muốn. Mình hiểu rằng việc tìm ra cái điều gì đó mới là không hề dễ dàng như mình từng tưởng tượng, vậy nên phải thật kiên nhẫn và quyết tâm với việc mình làm thì mới có thể đạt được điều mình mong muốn”, Đức Mạnh nói.
Các sản phẩm được đưa vào ứng dụng hầu hết đều dựa trên các bài báo nghiên cứu khoa học có tiếng. Những bài báo này sở hữu khối kiến thức bao hàm rất lớn, do đó việc đọc và hiểu được các nghiên cứu đối với một sinh viên năm 2 là vô cùng khó khăn. Đây cũng chính là trở ngại lớn nhất mà Đức Mạnh phải vượt qua trong suốt gần 2 tháng thực hiện bài báo.
Để có được thành tích đáng ngưỡng mộ này, không thể không nhắc đến sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía thầy cô và nhà trường. “Mình rất biết ơn cô Dương Việt Hằng đã giúp đỡ, giải đáp nhiều thắc mắc của mình trong quá trình nghiên cứu. Bên cạnh đó, Trường đã hỗ trợ tài chính cho đề tài của mình. Nhờ vậy, mình thêm kinh phí để tiến hành các thử nghiệm. Đây là thành quả của không chỉ bản thân mình mà còn của nhiều người anh/chị/bạn đã hỗ trợ mình”, Mạnh chia sẻ.
Trong thời gian tới, Đức Mạnh dự định tiếp tục hoàn thành bài toán action recognition mà bản thân chưa làm được. Hiện nay, nam sinh 2k4 cũng đã lên kế hoạch, ước lượng được khối lượng việc cần làm cũng như định hướng cho bài nghiên cứu.
Thu Hoài