Skip to content Skip to navigation

Gặp gỡ Huỳnh Văn Tín - Chàng sinh viên tài năng với bài báo khoa học tại Hội nghị Quốc Tế RIVF 2020

Được đăng tải những bài báo khoa học do chính mình tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi trên những tạp chí lớn hoặc tại những hội nghị quốc tế nổi tiếng luôn là niềm mơ ước của không ít sinh viên theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu khoa học, dẫu cho cơ hội ấy là vô cùng mong manh. Thế nhưng, các UIT-ers lại một lần nữa có thể khẳng định vị trí và niềm tự hào của mình cùng với Huỳnh Văn Tín - anh chàng sinh viên năm 4 Trường Đại học Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM đã xuất sắc có bài báo khoa học tại Hội nghị Quốc Tế RIVF 2020.

Từ lâu, hội nghị quốc tế RIVF (viết tắt của cụm từ “Research, Innovation and Vision for the Future”) luôn là một trong những sự kiện khoa học quốc tế lớn và nổi tiếng, thu hút lượng đông đảo hàng trăm, hàng nghìn nhà khoa học, nghiên cứu tài năng trong lĩnh vực điện toán và truyền thông ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hội nghị cũng được liệt kê vào danh sách các hội nghị uy tín theo đề xuất của SCOPUS and ISI Web of Science. Đó có lẽ là lý do mà bất kỳ ai có bài báo đăng tải tại đây có thể được xem như là niềm vinh hạnh rất lớn. Cho tới thời điểm hiện tại, RIVF đã trải qua 13 lần tổ chức và lần thứ 14 được tổ chức vào năm nay.

Là một UIT-er của lớp Công nghệ Thông tin 2016 -  khoa Khoa học và Kỹ thuật Thông tin vừa được nhận đăng bài báo tại Hội nghị quốc tế RIVF 2020; không quá ngạc nhiên khi ngay từ năm ba, bạn đã đi theo con đường nghiên cứu thay vì đi làm như bao bạn khác. Để tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân, bạn cũng từng tham gia các cuộc thi học thuật VLSP shared task và một bài báo khác cũng được đăng tại VLSP workshop 2019 với chủ đề Xử lý Văn Bản và Tiếng nói Tiếng Việt. Đặc biệt, bài nghiên cứu lần này sẽ được Tín trình bày và giới thiệu tại Hội nghị RIVF vào tháng 4 năm nay.  

Bài báo của Tín: “Tin Van Huynh, Kiet Van Nguyen, Ngan Luu-Thuy Nguyen, Anh Gia-Tuan Nguyen, "Job Prediction: From Deep Neural Network Models to Applications", RIVF 2020 International Conference” đã tập trung vào nghiên cứu một trong những lĩnh vực khó nhằn nhất mà bất kỳ ai trong giới IT khi nghe đến cái tên của nó cũng đều phải e ngại  - mô hình học sâu (deep learning) cho bài toán phân loại công việc. 

Có thể nói, Tín đã đem lại niềm tự hào cho không chỉ trường Đại học Công nghệ thông tin ĐHQG-HCM, mà còn cho cả các sinh viên Việt Nam đang theo đuổi lĩnh vực CNTT nói chung. Nhìn ở anh sự cống hiến hết mình và tinh thần học tập, kiên trì phấn đấu không ngừng để vươn tới ước mơ, chúng ta cũng học hỏi được ở anh rất nhiều.

Chúc Tín tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong chặng đường sắp tới!

Thuỳ Trang