Skip to content Skip to navigation

Trường Đại học Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM lý giải về việc tuyển thẳng tài năng thể thao

“Nay nếu như các vận động viên được đào tạo một tấm bằng đại học về kinh tế, công nghệ, ngoại ngữ,... các bạn ấy sẽ không còn quá lo lắng khi theo thể thao đỉnh cao nữa. Nỗ lực hết mình và không phụ lòng tin yêu của người hâm mộ là những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với mỗi VĐV, nhưng bên cạnh đó, xây dựng nền tảng cho một tương lai bền vững cũng là một trong những nhu cầu vô cùng thiết yếu." - TS. Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - P. Hiệu trưởng Trường ĐH.CNTT chia sẻ

Mấy chục năm qua, câu chuyện "đầu ra" cho vận động viên thể thao làm xã hội phải đau đầu thì nay được mở lối. Tuổi nghề ngắn đi cùng với những khó khăn đặc thù là câu chuyện không thể tránh khỏi của những người làm vận động viên. Hiểu rõ thực tiễn, lần đầu tiên, Trường Đại học Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM mở rộng phương thức xét tuyển thẳng dành cho tài năng thể thao 

Sự khổ luyện, khắc nghiệt của nghề 

Để trở thành một VĐV tầm cỡ, các môn thể thao đòi hỏi người tập phải làm quen từ rất sớm, thể dục dụng cụ là một điển hình. Luôn là đó những câu chuyện về các cô bé, cậu bé đã phải xa gia đình từ khi còn 5-6 tuổi và sang nước ngoài khổ luyện cả chục năm trời với khát vọng đạt được trình độ, chuyên môn đẳng cấp. 

Đi kèm với sự khắc nghiệt đó, tuổi nghề của VĐV cũng rất ngắn. Theo thống kê, phần lớn các giải đấu thể thao trong nước hiện nay dành cho lứa tuổi năng khiếu đều bắt đầu từ độ tuổi 14 đến 15. Trong khi đó, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan (điều kiện chăm sóc dinh dưỡng, y tế, thể lực, phương pháp huấn luyện...) nên hầu hết các VĐV thường kết thúc sự nghiệp ở độ tuổi từ 30 đến 35, con số này vẫn thấp hơn rất nhiều so với tuổi nghề của các nghề nghiệp khác. 

Nỗi lo tuổi "xế chiều"

Và điều thiệt thòi lớn nhất, là sau khi chia tay thể thao, hầu hết các vận động viên sẽ phải bắt đầu một công việc mới để tiếp tục cuộc sống vào lúc đã ở tuổi "xế chiều". Bởi vì giấc mơ trở thành HLV không phải lúc nào cũng trở thành hiện thực với phần đông người làm thể thao.

Sau khi chia tay sự nghiệp thi đấu, cùng với nguy cơ thất nghiệp thì một nỗi ám ảnh khác của các VÐV là bệnh nghề nghiệp tái phát. Đó là hậu quả của những chấn thương không thể tránh khỏi, dai dẳng trong chuỗi ngày tập luyện và thi đấu. 

Tuyển thẳng TÀI NĂNG THỂ THAO - nền tảng cho một tương lai bền vững 

Năm 2022, lần đầu tiên Trường ĐH Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng dành cho tài năng thể thao nhằm giải quyết được câu chuyện tuổi nghề của các tài năng thể thao Việt Nam, để họ có thể vừa yên tâm thi đấu hết mình, vừa có được cơ hội gặt hái nhiều thành công hơn nữa sau khi giải nghệ.

“Nay nếu như các vận động viên được đào tạo một tấm bằng đại học về kinh tế, công nghệ, ngoại ngữ,... các bạn ấy sẽ không còn quá lo lắng khi theo thể thao đỉnh cao nữa. Nỗ lực hết mình và không phụ lòng tin yêu của người hâm mộ là những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với mỗi VĐV, nhưng bên cạnh đó, xây dựng nền tảng cho một tương lai bền vững cũng là một trong những nhu cầu vô cùng thiết yếu." - TS. Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - P. Hiệu trưởng Trường ĐH.CNTT chia sẻ

 

Trúc Hạnh