Skip to content Skip to navigation

GS.TS Đỗ Phúc chia sẻ “nghệ thuật” đặt câu hỏi với CHAT GPT tại workshop “Biên soạn bài báo khoa học và tài liệu học tập với sự hỗ trợ của Chat GPT”

Sáng 25/8/2023, tại phòng E1.2 - Trường Đại học Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM diễn ra workshop “Biên soạn bài báo khoa học và tài liệu học tập với sự hỗ trợ của Chat GPT”. Đây là buổi giao lưu của GS.TS Đỗ Phúc - Trường Đại học Công nghệ Thông tin, ĐHQG-HCM với các cán bộ viên chức, giảng viên Trường đại học Công nghệ thông tin ĐHQG-HCM cũng như các trường thuộc khối ĐHQG-HCM. Chương trình được tổ chức bởi Thư viện phối hợp cùng Phòng Sau đại học và Khoa học Công nghệ UIT.

Chương trình được thực hiện nhằm chia sẻ, thảo luận và truyền đạt những kinh nghiệm của nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông; nâng cao năng lực chuyên môn của giảng viên trong hoạt động nghiên cứu và biên soạn tài liệu học tập thông qua sự hỗ trợ của Chat GPT; đảm bảo tính liêm chính học thuật của tài liệu khoa học. 

GS.TS Đỗ Phúc (đứng giữa) chụp ảnh các giảng viên tham gia workshop

Workshop thu hút sự quan tâm của hơn 30 cán bộ viên chức, giảng viên bao gồm hai chuyên đề: “Viết bài báo khoa học cho giảng viên trẻ UIT và Biên soạn tài liệu học tập với sự hỗ trợ của Chat GPT”. Với ngày 25/8/2023, GS.TS Đỗ Phúc sẽ chia sẻ kinh nghiệm ở chuyên đề đầu tiên. 


Rất nhiều thông tin bổ ích được chia sẻ bởi GS.TS Đỗ Phúc

GS.TS Đỗ Phúc là người đã thực hiện 7 đề tài nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực xử lý văn bản, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, các hệ đọc hiểu văn bản, suy diễn thông tin trên đồ thị tri thức. Giáo sư đã công bố trên 40 bài báo khoa học trong các tạp chí uy tín quốc tế, tạp chí trong nước, nhiều tài liệu thuộc ngành Công nghệ thông tin, 4 book chapters. Ngoài ra, Giáo sư cũng là người tiên phong ứng dụng Chat GPT trong giảng dạy hướng dẫn thành công 3 Tiến sĩ theo hướng về xử lý văn bản, đồ thị tri thức và đang hướng dẫn 3 Nghiên cứu sinh theo các hướng: xử lý văn bản, học máy, học sâu, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, đồ thị tri thức,…

Với những chia sẻ nhiệt thành tại chương trình, GS.TS Đỗ Phúc đã mang đến những kiến thức, thông tin vô cùng bổ ích trong việc viết bài báo khoa học như về cấu trúc của bài, các bước biên soạn dưới sự hỗ trợ của các ứng dụng AI, kiểm tra đạo văn… Giáo sư chia sẻ để sử dụng Chat GPT, trước hết cần đánh giá đề tài và cần đặt ra câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu. “Nên hỏi Chat GPT như thế nào? Cần có nghệ thuật đặt câu hỏi với Chat GPT, việc nghiên cứu để đặt câu hỏi rất quan trọng. Không phải thông tin nào trên AI cũng đúng, cần có suy luận để nhận biết đúng sai. AI có nhiệm vụ tổng hợp thông tin, chúng ta là người kiểm tra thông tin”. 

Ngọc Lân