Phạm Vĩ (2001) hiện đang là trợ giảng môn GIS3D tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM (UIT) là một Gen Z tiêu biểu trong việc tìm tòi và nghiên cứu khoa học. Dù chỉ mới 22 tuổi nhưng anh đã có cho mình nhiều dự án AI/ ML thành công, trong đó có nổi bật là dự án giúp cải thiện khả năng nhận diện hình ảnh của các thiết bị di động, kiểm thử chất lượng của xe vận chuyển.
Phạm Vĩ - một tấm gương trẻ tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học
Nỗ lực không ngừng để chạm đến thành công
Động lực nào đã thúc đẩy anh đến với nghiên cứu khoa học?
Dưới mái Trường đại học, tôi đã được học môn hệ thống thông tin địa lý 3 chiều của thầy là TS. Nguyễn Gia Tuấn Anh và ThS. Lưu Thanh Sơn. Chính sự tận tâm và giúp đỡ hết lòng của hai thầy đã giúp tôi tìm thấy ngọn lửa đam mê trong mình. Ngọn lửa ấy đã thôi thúc tôi phát triển đồ án của mình thành khóa luận tốt nghiệp và sau này là đề tài nghiên cứu khoa học.
Một số thành tích mà anh đã gặt hái được trong quá trình theo đuổi ước mơ trở thành một nhà khoa học trẻ?
Trong quá trình theo đuổi ước mơ trở thành một nhà khoa học, tôi đã đạt được một số thành tích đáng kể. Một trong những thành tích mà tôi tự hào nhất là công trình nghiên cứu khoa học về ứng dụng công nghệ GIS trong việc phân loại thành phần đất và tính toán độ xói mòn đất ở Việt Nam bằng RUSLE model (Soil Classification And Soil Erosion Calculation Modeled Using RUSLE Model, GIS). Nghiên cứu được đăng tại Hội nghị khoa học trẻ và nghiên cứu sinh 2023 tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin (ĐHQG - TP.HCM). Công trình trên nhằm ứng phó với vấn đề về xói mòn đất do biến khí hậu và yếu tố nội tại gây ra.
Phạm Vĩ (bên phải) cùng thầy hướng dẫn TS. Nguyễn Gia Tuấn Anh
Để có được những thành tích ấy, anh đã trải qua những khó khăn gì?
Theo góc nhìn cá nhân của tôi thì GIS (Geography Information System) là một lĩnh vực khá kén người nghiên cứu. Để hoàn thành công trình nghiên cứu này, tôi đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn và thách thức. Bản thân tôi đã phải dành rất nhiều thời gian và công sức để thu thập dữ liệu, tiền xử lý dữ liệu, phân tích dữ liệu về địa lý, ảnh nhằm xây dựng mô hình, thực nghiệm và viết báo cáo. Ngoài ra nhằm đảm bảo tính khoa học của công trình tôi cũng đã phải học hỏi thêm rất nhiều kiến thức về công nghệ GIS, Địa chất và biến đổi khí hậu.
Niềm đam mê cháy bỏng với nghiên cứu khoa học
Điều gì đã giúp anh vượt qua những khó khăn trên hành trình theo đuổi ước mơ trở thành một nhà nghiên cứu khoa học?
Để vượt qua những khó khăn đó, tôi đã dựa vào 3 yếu tố chủ yếu là đam mê, quyết tâm và sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Có thể nói động lực lớn nhất của tôi trong những ngày tháng khó khăn chính là niềm đam mê với khoa học. Tôi luôn yêu thích việc tìm tòi và khám phá những điều mới mẻ. Niềm đam mê này đã giúp vượt qua những khó khăn và tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Tiếp đó, chính là sự quyết tâm và kiên trì trên hành trình chinh phục ước mơ. Tôi Luôn tin tưởng rằng mình có thể trở thành một nhà nghiên cứu khoa học giỏi. Chính niềm tin ấy đã giúp tôi không bỏ cuộc khi gặp khó khăn. Cuối cùng, nguồn sức mạnh to lớn của tôi chính là sự giúp đỡ của thầy cô và bạn bè, họ đã luôn động viên và giúp đỡ tôi trong quá trình học tập và nghiên cứu. Sự giúp đỡ của mọi người đã giúp tôi vượt qua những khó khăn và đạt được những thành tích nhất định.
Phạm Vĩ (bên trái) cùng cộng sự Phạm Nhật Anh
Theo anh, trong quá trình theo đuổi ước mơ anh đã được những gì và mất đi điều gì?
Trong hành trình này, tôi tự thấy mình có được rất nhiều điều quý giá. Điều tôi tâm đắc nhất là được học hỏi rất nhiều kiến thức và kỹ năng về GIS & AI. Nhờ tham gia nghiên cứu khoa học tôi đã có cơ hội được tiếp cận với những công nghệ mới nhất và những nghiên cứu tiên tiến nhất trong lĩnh vực này. Tuyệt vời hơn khi tôi có cho mình nhiều hơn những kinh nghiệm và trải nghiệm từ các dự án nghiên cứu thực tế. Quan trọng nhất là sau quá trình học hỏi và trau dồi không ngừng, tôi nhận ra bản thân ngày càng trưởng thành và phát triển hơn.
Bên cạnh những điều tuyệt vời mà tôi thu nhận được thì trên hành trình này cũng có không ít những tiếc nuối. Quá trình nghiên cứu khoa học đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức đôi khi khiến tôi khá áp lực. Vì thời gian hạn hẹp, tôi đã không có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa hoặc các hoạt động vui chơi giải trí khác như bạn bè đồng trang lứa.
Hãy theo đuổi ước mơ của bạn!
Chủ đề anh quan tâm, lĩnh vực nào anh đang muốn theo đuổi trên hành trình chinh phục khoa học?
Hiện tại tôi đang rất hứng thú với công nghệ GIS và AI, đặc biệt là trong việc nghiên cứu và ứng dụng để giải quyết các vấn đề như ô nhiễm không khí, suy thoái đất và biến đổi khí hậu. Tôi tin rằng những công nghệ này có thể giúp chúng ta cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của con người. Đó cũng là chủ đề, lĩnh vực mà tôi muốn theo đuổi để trở thành một nhà khoa học trẻ.
Được biết hiện tại anh đang là quản lý một nhóm bạn có đam mê nghiên cứu khoa học, anh có thể chia sẻ những dự định mà anh và nhóm nghiên cứu đang ấp ủ?
Rất may mắn trong học kỳ này tôi gặp được rất nhiều bạn trẻ có niềm đam mê giống mình. Hiện tại tôi đang triển khai 4 đề tài nghiên cứu về lĩnh vực này, trong đó có 2 đề tài nghiên cứu chuyên sâu và 2 đề tài nghiên cứu về tính ứng dụng. Tất cả đề tài này đều hướng tới một mục tiêu chung là đóng góp khoa học nhằm giải quyết các vấn đề như ô nhiễm không khí, suy thoái đất và biến đổi khí hậu (Cụ thể các đề tài trên sẽ tập trung xử lý về sự che phủ của bề mặt, độ mịn của dữ liệu viễn thám địa lý, lũ quét và sạt lở đất vốn đang là những vấn đề chung của nhiều thập kỷ qua). Tôi rất hy vọng những đề tài này sẽ đạt được những thành công nhất định trong tương lai.
Nhóm nghiên cứu gồm các bạn trẻ có đam mê nghiên cứu các chủ đề về GIS/AI
Một lời khuyên anh muốn dành cho các bạn trẻ cũng đang muốn theo đuổi sự nghiệp trở thành một nhà khoa học trẻ?
Tôi chỉ muốn nhắn nhủ với các bạn hãy theo đuổi đam mê của bản thân. Điều quan trọng nhất là các bạn phải yêu thích công việc nghiên cứu khoa học. Nếu bạn không yêu thích công việc này, bạn sẽ rất khó để vượt qua những khó khăn và thử thách trong quá trình theo đuổi ước mơ của mình. Kiên trì và nỗ lực không ngừng là hành trang mà bạn không thể thiếu trong chuyến hành trình này! Công việc nghiên cứu khoa học đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và sự kiên trì. Bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thử thách, nhưng đừng bao giờ bỏ cuộc. Cuối cùng là hãy không ngừng học hỏi. Thế giới khoa học luôn thay đổi và phát triển. Bạn cần phải không ngừng học hỏi để cập nhật những kiến thức và xu hướng mới nhất trong lĩnh vực của mình để không bị bỏ lại phía sau.
Từ những kinh nghiệm dưới mái trường đại học, tôi nhận ra việc tham gia các hoạt động nghiên cứu, các khóa đào tạo và hội thảo để gặp gỡ và kết nối với các nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực mình theo đuổi là rất quan trọng. Mạng lưới quan hệ của bạn sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội học hỏi và phát triển. Đây là điều tôi thiếu trong những năm tháng học đại học khiến bản thân tiếp cận ở lĩnh vực này khá trễ so với các bạn cùng trang lứa.
Thuỳ Linh