Skip to content Skip to navigation

Công bố các mức điểm xét tuyển vào đại học, cao đẳng

(TNO) Sáng nay, 8.8, Hội đồng xác định điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào đại học, cao đẳng của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã họp và công bố các mức điểm xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm nay (thay thế điểm sàn các năm trước đây).

Theo đó các mức điểm để xét tuyển vào đại học của các khối như sau:

Khối A: Mức 1 là 13 điểm; Mức 2 là 14 điểm; Mức 3 là 17 điểm.

Khối A1: Mức 1 là 13 điểm; Mức 2 là 14 điểm; Mức 3 là 17 điểm.

Khối B: Mức 1 là 14 điểm; Mức 2 là 15 điểm; Mức 3 là 18 điểm.

Khối C: Mức 1 là 13 điểm; Mức 2 là 14 điểm; Mức 3 là 17 điểm.

Khối D: Mức 1 là 13 điểm; Mức 2 là 14 điểm; Mức 3 là 17 điểm.                       

Mức điểm xét tuyển vào hệ cao đẳng lùi 3 điểm tương ứng với từng khối thi như sau:

Khối A: Mức 1 là 10 điểm; Mức 2 là 11 điểm; Mức 3 là 14 điểm.

Khối A1: Mức 1 là 10 điểm; Mức 2 là 11 điểm; Mức 3 là 14 điểm.

Khối B: Mức 1 là 11 điểm; Mức 2 là 13 điểm; Mức 3 là 15 điểm.

Khối C: Mức 1 là 10 điểm; Mức 2 là 11 điểm; Mức 3 là 14 điểm.

Khối D: Mức 1 là 10 điểm; Mức 2 là 11 điểm; Mức 3 là 14 điểm.

Công bố các mức điểm xét tuyển vào đại học, cao đẳng
Năm nay, Bộ GD-ĐT công bố nhiều mức điểm "sàn" giúp thí sinh biết chất lượng
 của các trường ĐH - Ảnh: Ngọc Thắng

Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, mức 3 là mức tối thiểu để xét tuyển vào đại học và cao đẳng. Dựa vào các mức điểm này các đại học, học viện và các trường đại học, cao đẳng tham gia kỳ thi chung do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 như sau:

Đối với các trường, các ngành không quy định môn thi chính, tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào là các mức điểm xét tuyển cơ bản (tổng điểm 3 môn thi không nhân hệ số) cho từng khối thi.

Đối với trường, ngành quy định môn thi chính, tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào là điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số môn chính (tổng điểm 3 môn thi, trong đó có 1 môn thi chính nhân hệ số 2) vào trường hay vào từng ngành của trường.

Nguyên tắc xác định điểm chuẩn xét tuyển trong trường hợp này là giá trị trung bình của điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính không được thấp hơn giá trị trung bình của mức điểm xét tuyển cơ bản vào đại học hoặc cao đẳng đã được Bộ công bố và trường đã lựa chọn (các điểm trung bình này được làm tròn với 2 số lẻ).

Bộ Giáo dục - Đào tạo yêu cầu, sau khi Bộ công bố các mức điểm xét tuyển để vào đại học, cao đẳng:

Đối với các trường, ngành không quy định môn thi chính: xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm chuẩn xét tuyển vào trường hay vào từng ngành của trường. Điểm chuẩn xét tuyển này không được thấp hơn mức điểm xét tuyển vào đại học, cao đẳng mà Bộ đã công bố và trường đã lựa chọn.

Đối với các trường, ngành đã công bố môn thi chính: xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính theo nguyên tắc nêu trên.

Các trường đại học, cao đẳng tổ chức xét tuyển các thí sinh có kết quả thi đạt mức từ mức điểm chuẩn xét tuyển trở lên (điểm chuẩn xét tuyển cơ bản hoặc điểm chuẩn xét tuyển có tính hệ số của môn chính) theo các quy định hiện hành của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.

Trao đổi với PV Thanh Niên Online ngay sau khi công bố các mức điểm năm nay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết: Sự khác biệt của quy định xét tuyển này với quy định về điểm sàn trước đây là sự phân chia phổ điểm thành nhiều mức theo tỷ lệ thí sinh đạt yêu cầu để các trường tự quyết định chọn điểm xét tuyển ở mức nào phù hợp, qua đó khẳng định uy tín của trường trong xã hội. Đồng thời tạo sự công bằng, minh bạch trong tuyển sinh; từng bước thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học; giúp cho thí sinh biết về chất lượng đầu vào của từng trường, từng ngành để chọn trường, chọn ngành phù hợp với năng lực.

Xem thêm Thứ trưởng Giáo dục: 'Ba mức điểm sàn tránh thiệt thòi cho thí sinh'

Nguồn: thanhnien.com.vn