Vừa qua, MAPR 2023 đã diễn ra tại Quy Nhơn (Việt Nam) do Trường Đại học Công nghệ Thông tin (ĐHQG-HCM) đăng cai tổ chức. Nhiều UITer đã có cơ hội tham gia hội nghị khoa học quốc tế, cùng xem tâm trạng của các UITer sẽ ra sao khi được tham gia hội thảo lần này.
MAPR 2023 là Hội nghị quốc tế lần thứ sáu về phân tích đa phương tiện và nhận dạng mẫu. Tham dự hội nghị lần này có các Giáo sư, Phó Giáo sư, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên đến từ các nước Mỹ, Pháp, Malaysia, Nhật Bản và Việt Nam. Hội nghị MAPR2023 nhận được 69 submissions và có 36 bài báo - với 145 tác giả được chấp nhận đăng. Đây là cơ hội quý báu để các UITer có thể gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong cộng đồng nghiên cứu. Cùng nghe chia sẻ của các UITer về MAPR2023.
Hội nghị khoa học quốc tế MAPR 2023 tổ chức tại Quy Nhơn
Háo hức, hân hoan, phấn khích là cảm xúc mà Nguyễn Hiếu Nghĩa (trợ giảng Khoa Khoa học và Kỹ thuật thông tin), Quan Chí Khánh An (cựu sinh viên, trợ giảng khoa Công nghệ Phần mềm) và Nguyễn Thành Nhân (cựu sinh viên, học viên cao học ngành Công nghệ thông tin) bày tỏ khi được hỏi về tâm trạng khi tham gia MAPR 2023. Với Hiếu Nghĩa, anh cho biết: “Hội nghị MAPR năm nay đã mời được giáo sư Junichi Tsujii, một chuyên gia hàng đầu về AI của Nhật và có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến việc nghiên cứu NLP trên thế giới để chia sẻ.” Còn với Thành Nhân, niềm vui như được nhân đôi khi hội nghị lần này được tổ chức tại Quy Nhơn - quê hương hương của bạn.
Nguyễn Hiếu Nghĩa đặt câu hỏi thảo luận tại Hội nghị
Như các năm trước, hội nghị lần này cũng được diễn ra nhiều phiên, tạo điều kiện cho các thành viên tham gia được trực tiếp chia sẻ ý kiến và nhận những góp ý từ các chuyên gia. Nói về phần chia sẻ yêu thích nhất trong quá trình tham gia hội nghị, Khánh An bày tỏ: “Mình thích nhất là phiên Poster Session của hội nghị vì trong phiên này mình có thể chia sẻ ý tưởng của mình đến mọi người trong cùng lĩnh vực, từ đó có thể nhận được các ý kiến, góp ý về hướng phát triển trong tương lai.”
Khánh An đang thảo luận với chuyên gia các vấn đề đang nghiên cứu
Dù không phải lần đầu tham gia báo cáo khoa học, nhưng cả ba chàng trai đều cảm thấy hồi hộp và xen lẫn sự tự hào, hứng khởi. Hồi hộp khi đứng trước các chuyên gia nhiều kinh nghiệm, tự hào và hứng khởi khi có thể chia sẻ những ý tưởng của mình, nhận được những ý kiến, đóng góp để có thể hoàn thành bài báo cáo một cách chất lượng, rõ ràng hơn về các dự định trong tương lai.
Nhớ lại lại thời gian được tham gia hội nghị, Hiếu Nghĩa cho hay: “Mình học được nhiều thứ từ các diễn giả của MAPR năm nay. Đầu tiên nhất đó chính là cách bố cục nội dung bài nói, sắp xếp phần nào nói trước phần nào nói sau, phần nào cần nhấn mạnh và phần nào nên được đề cập nhanh qua. Cái thứ hai đó chính là học cách có tầm nhìn trong việc nghiên cứu.”. Giống như Hiếu Nghĩa, Khánh An và Thành Nhân bộc bạch rằng bản thân có nhiều góc nhìn toàn diện cũng như mở rộng về các chủ đề liên quan từ các diễn giả quốc tế. Bên cạnh đó, hai chàng trai cũng cho biết thông qua việc thảo luận trao đổi với các nhà nghiên cứu khác, hai bạn có thể học hỏi, nhận được nhiều đóng góp tích cực về các hướng có thể phát triển cho đề tài, khích lệ bản thân liên hệ với thực tế và phát triển trong tương lai. Được biết, hiện tại Hiếu Nghĩa đang nghiên cứu bài toán Multimodal Learning trong tiếng Việt, Thành Nhân theo đuổi hướng nghiên cứu kết hợp giữa IoT, Machine Learning và Y tế, còn Khánh An thì quan tâm ở lĩnh vực Computer vision.
Nguyễn Thành Nhân báo cáo nghiên cứu tại Hội nghị
Trong lần tham gia hội tham gia hội khoa học quốc tế năm nay, cả ba chàng trai UITer đều nhận được rất nhiều sự hỗ trợ cũng như niềm cảm hứng nghiên cứu từ thầy cô Trường Đại học Công nghệ Thông tin. Đây chính là những người đặt những viên gạch đầu tiên, xây dựng nền tảng kiến thức để các bạn có thể bắt đầu trên con đường nghiên cứu. Đồng thời, các thầy cô tại trường cũng đề cao khả năng tự học để các bạn có thể tự giải quyết vấn đề, giúp các bạn hiểu sâu hơn bản chất vấn đề mà mình đang theo đuổi. “Các thầy cô có bề dày thành tích nghiên cứu cũng rất chú trọng vận động sinh viên tham gia nghiên cứu cũng như hỗ trợ và hướng dẫn sinh viên rất tận tình trong suốt quá trình nghiên cứu và làm KLTN”, Hiếu Nghĩa cho biết thêm.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, Nghĩa, An, Nhân khẳng định bản thân sẽ cố gắng trau dồi bản thân, theo đuổi hết mình với nghiên cứu đã và đang thực hiện. Hiếu Nghĩa nhấn mạnh: “Bài toán mình đang làm còn khá mới mẻ so với tiếng Việt (thậm chí là với các ngôn ngữ khác như tiếng Anh và tiếng Trung Quốc), Do đó còn rất nhiều nền tảng cần phải xây dựng trước khi thực hiện nghiên cứu một cách bài bản và chỉnh chu trong bài toán này. Thời gian tới mình sẽ tiến hành thúc đẩy việc xây dựng và công bố các bộ dữ liệu mới, cũng như tập trung phát triển các LMMs (Large Multimodal Models) để làm nền tảng cho các nghiên cứu trên bài toán Multimodal Learning trong tương lai.”. Với Thành Nhân: “Mình vẫn sẽ tiếp tục phát triển đề tài mà mình đã báo cáo ở Hội nghị MAPR, bằng việc giải quyết sâu hơn vấn đề, tìm hiểu mọi ngóc ngách của vấn đề để cho chất lượng của công trình ngày càng cao, đóng góp những thành tích nhỏ nhoi của bản thân cho cộng đồng.”.
Ngọc Lân