Trong những năm gần đây, nghiên cứu khoa học và thực hiện các bài báo khoa học là hoạt động diễn ra rầm rộ tại Trường ĐH Công nghệ Thông tin. Các nhóm dự án với những ý tưởng độc đáo, giải quyết các vấn đề thực tế liên tục được hình thành. Tuy vậy, với vốn kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế của sinh viên, các dự án gặp rất nhiều khó khăn. Là một giảng viên nhiệt huyết có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhóm nghiên cứu, ThS Võ Duy Nguyên đã trở thành một người thầy, một người bạn đồng hành cho các bạn sinh viên trong quá trình thực hiện các đề tài khoa học.
Hiện tại, Th.S Võ Duy Nguyên đang công tác tại Phòng thí nghiệm Truyền thông Đa phương tiện (MMLab) Trường ĐH Công nghệ Thông tin. Ngoài công việc chính là nghiên cứu và công bố kết quả qua các bài báo, tạp chí khoa học, thầy còn tham gia giảng dạy 2 môn học là Nhập môn lập trình và Học máy thống kê.
Khi được hỏi về động lực thúc đẩy thực hiện hướng dẫn và hỗ trợ nghiên cứu đề tài khoa học, Th.S Võ Duy Nguyên chia sẻ: “Công bố bài báo khoa học là công việc của mình. Mình nhận thấy từ nghiên cứu đến công bố khoa học là một quá trình hữu ích, trải qua nhiều giai đoạn, giúp cho bản thân học tập và cải thiện rất nhiều kỹ năng cũng như mạnh mẽ và trưởng thành hơn. Mình muốn mang những điều đó đến với các bạn sinh viên.
Việc nghiên cứu khoa học vốn không phải là một việc đơn giản. Để có thể đạt được thành quả, sinh viên không chỉ cần thời gian phát triển ý tưởng, tìm tòi và nghiên cứu tài liệu mà còn cần nguồn kinh phí để có thể thực nghiệm. Câu chuyện tìm nguồn kinh phí cho việc công bố các báo cáo khoa học luôn là một vấn đề nan giải. “Theo mình, vấn đề lớn nhất trong quá trình nghiên cứu chính là kinh phí nghiên cứu” – Th.S Võ Duy Nguyên nhận định.
Với vai trò là một giảng viên hướng dẫn, Th.S Võ Duy Nguyên sẽ cùng làm việc với các bạn sinh viên nhằm khắc phục những khó khăn nêu trên. Đầu tiên, để đảm kết quả nghiên cứu, thầy sẽ trao đổi trước quy trình làm việc với các bạn sinh viên. Toàn bộ quá trình nghiên cứu của các bạn được chia nhỏ ra thành nhiều giai đoạn để có thể hoàn thành mục tiêu. Mỗi tuần, thầy và các bạn sẽ tham gia họp báo cáo tiến độ nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp cho những vấn đề phát sinh. Có thể là sự hỗ trợ từ các anh chị khóa trên hay là sự đổi hướng cho phù hợp với tình hình hiện tại.
“Thông thường bài báo được nhận đăng sẽ cần tốn phí. Tùy theo loại hội nghị, nơi tổ chức và tình hình cụ thể từng năm sẽ mất mức phí nhất định. Mức phí khoảng vài triệu đồng với hội nghị trong nước hoặc lên đến hàng trăm USD/EURO với các hội nghị quốc tế. Mình sẽ hướng dẫn các bạn sẽ đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên để nhận kinh phí hỗ trợ từ nhà trường” – Th.S Võ Duy Nguyên thông tin thêm.
Làm việc với sinh viên dường như là niềm vui mỗi ngày của thầy Duy Nguyên. “Nhìn các bạn trưởng thành qua từng bài học là điều mình cảm thấy vui nhất. Mình như nhìn thấy được bản thân của mình ngày trước cũng đã từng nỗ lực, cố gắng, nhiệt huyết ra sao qua các bạn sinh viên đã và đang làm việc cùng mình” - thầy Nguyên tâm sư.
Tuy nhiều niềm vui nhưng quá trình làm việc cùng với các bạn sinh viên cũng tạo cho thầy Nguyên không ít khó khăn. Theo thầy, cái tôi của người trẻ rất lớn, thích tạo lối đi riêng hay đốt cháy giai đoạn. Để công bố được bài báo khoa học là một quá trình chuẩn bị gồm nhiều giai đoạn, cần hoàn thành từng mục tiêu nhỏ trước khi đi đến kết quả cuối cùng. Tuy nhiên các bạn dễ sa lầy trong việc tìm hiểu mà không biết điểm dừng nào là phù hợp tại thời điểm hiện tại, đảm bảo mục tiêu đạt ra. “Dù vậy, sinh viên trường luôn kiên trì và nỗ lực. Đây là điểm tốt khiến mình luôn muốn làm việc cùng các bạn” - thầy Nguyên chia sẻ thêm.
Với thầy Nguyên, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học không chỉ là công việc mà còn là một phần cuộc sống của mình. “Nhìn các em trưởng thành từng ngày, vượt lên chính mình qua quá trình nghiên cứu khoa học đầy khó khăn và thử thách mình rất vui và hạnh phúc” - thầy bộc bạch.
PHƯỢNG AN