Nằm trong chuỗi sự kiện về Trí tuệ nhân tạo 2019, Zalo AI Hackathon và Zalo AI Challenge là 2 cuộc thi thú vị, mang tính chuyên môn và thực tế cao dành cho cộng đồng AI Việt Nam. Các đội quán quân đã chia sẻ giải pháp và được trao tổng giải thưởng gần 400 triệu đồng tại Zalo AI Summit 2019.
Cuộc thi Hackathon về trí tuệ nhân tạo của Zalo Al Summit là một cuộc thi quy mô lớn với sự tham gia của 70 đội tham gia, 150 thí sinh. Trong cuộc thi Hackathon lần này, team của Nguyễn Đức Bình - cựu sinh viên Đại học Công Nghệ Thông Tin đã xuất sắc giành vị trí quán quân. Hãy cũng anh ấy xem lại quá trình “đi test skill” thuận tiện mang quán quân về nhà nhé!
Zalo AI Hackathon có đề tài mang tính thời sự cao: phát hiện đường lưỡi bò trong các bức ảnh, từ đó đánh dấu và ngăn chặn hình ảnh này xuất hiện phi pháp ở Việt Nam. Các đội thi có 24 giờ làm việc liên tục để tạo ra giải pháp.
Nguyễn Đức Bình - cựu sinh viên lớp Khoa Học Tài Năng khóa 9 của trường Đại học Công Nghệ Thông Tin ĐHQG-HCM (UIT), hiện đang công tác tại AIOZ – công ty chuyên về computer vision. Thời còn là sinh viên UIT, Đức Bình đã nổi tiếng với thành tích học tập đáng nể: thủ khoa tốt nghiệp đại học ngành Khoa học máy tính; có bài báo khoa học đầu tiên từ đề tài tốt nghiệp báo cáo ở Hội nghị KSE 2018 với sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Lưu Thuỳ Ngân - Trưởng phòng đào tạo Trường đại học công nghệ thông tin ĐHQG-HCM (Hội nghị KSE là hội nghị quốc tế uy tín trong ngành khoa học thông tin, được bảo trợ bởi Viện kỹ nghệ điện, điện tử thế giới (IEEE).)
Từ khi còn là sinh viên, anh Nguyễn Đức bình chưa từng tham gia thi một cuộc thi hackathon nào cả thế nên khi nghe đến Zalo AI Summit – cuộc thi quy tụ nhiều chuyên gia và kỹ sư nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo trong nước, anh đã quyết định tham gia để “test skill”.
Đề bài yêu cầu thí sinh sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận dạng đường lưỡi bò phi pháp qua hình ảnh từ đó giúp ngăn chặn hình ảnh này xuất hiện trái phép tại Việt Nam. Đối với đề bài này, các đội chủ yếu sử dụng kỹ thuật Detect Object trong ảnh phổ biến, chỉnh sửa model rồi xử lý kết quả. Do đội của anh Bình chưa quen với các bài toán Object nên mất rất nhiều thời gian để chạy code được, thời gian lại ngắn nên không thể phát huy được tối đa những kỹ thuật chỉnh tham số của model.
Trong quá trình thi, đội của anh Đức Bình đã mất gần một phần ba thời gian lúc đầu để code cho thuật toán có thể chạy được rồi chỉnh sửa tham số và xử lý kế quả. Thật bất ngờ rằng sau khi thu hẹp diện tích vùng phát hiện và summit thì đội của anh Bình đã dẫn đầu, cách top 2 một khoảng rất xa. Tuy có lần đội rơi xuống hạng 3 nhưng sau khi thu hẹp vùng phát hiện một lần nữa, các anh đã xuất sắc quay về với top 1.
Đức Bình và đồng đội chưa từng nghĩ là sẽ đạt được giải khi tham gia một chương trình lớn thế này nhưng sau mỗi lần team đạt được top 1 trên leaderboard thì niềm tin đạt giải lại được nâng cao một bậc. Sau 24h làm việc cật lực, Đức Bình và đồng đội đã rất vui khi biết được tin đạt Quán Quân – một chiến thắng cực kỳ xứng đáng.
Với giọng điệu hài hước, anh Nguyễn Đức Bình đã gửi lời nhắn nhủ đến các bạn đọc: “Khi còn là sinh viên có thời gian rảnh, các bạn nên tham gia mấy cuộc thi hackathon để cọ xát và trao dồi kiến thức. Ngoại trừ kinh nghiệm và kỷ niệm, các bạn còn được ‘free food’ nữa đó. Những kỷ niệm trong quá trình tham gia thi đấu anh vẫn nhớ rõ là coffee rất ngon, anh uống nhiều quá mà vừa code vừa run tay luôn,”
Sắp tới, anh Nguyễn Đức Bình sẽ tiếp tục công việc và trao dồi thêm về Machine Learning. Chúc anh Bình thành công trong những định hướng sắp tới!
Vũ Phong Huyền