Skip to content Skip to navigation

Nghiên cứu đề xuất bộ khung giải pháp hỗ trợ khuyến khích và phát triển cộng tác xây dựng mô hình trí tuệ nhân tạo trong nhiều ngữ cảnh khác nhau

Vừa qua, nhóm sinh viên đến từ nhiều ngành của trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐHQG-HCM) gồm: Trần Đức Lương, Vương Minh Tiến, Hoàng Tuấn Anh, Ngân Văn Luyện và Nguyễn Chí Vỹ đã có bài báo khoa học được Hội nghị khoa học quốc tế lần thứ 8 về Khoa học Thông tin và máy tính chấp nhận đăng tải.

Theo Đức Lương, ngày nay, lượng dữ liệu được sinh ra từ các thiết bị Vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT) ngày càng lớn, tạo tiền đề cho sự phát triển của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, với cách tiếp cận truyền thống, việc thu thập dữ liệu người dùng một cách tập trung đang ngày càng trở nên khó khăn. Một vài báo cáo cho thấy tồn tại những hành vi xâm hại đến quyền riêng tư trên dữ liệu của người dùng.  Người dùng thường không sẵn sàng chia sẻ dữ liệu của họ với người khác. “Và đây cũng là ý tưởng chính để nhóm chúng mình thực hiện bài báo Hệ thống khuyến khích và phát triển cộng tác trong xây dựng mô hình trí tuệ nhân tạo cho hệ sinh thái ứng dụng đô thị thông minh sử dụng blockchain và học liên kết” - Đức Lương thông tin

Nội dung cốt lõi của bài báo là phân tích và đánh giá khả năng ứng dụng của phương pháp học cộng tác (Federated Learning), mạng sinh đối kháng (GAN), và Blockchain trong việc giải quyết các vấn đề hợp tác xây dựng mô hình trí tuệ nhân tạo tương ứng cho nhiều lĩnh vực ứng dụng khác nhau. Cụ thể, nhóm trình bày phương pháp xây dựng một môi trường cộng tác cho phép nhiều cá nhân, tổ chức, thiết bị tham gia vào quy trình huấn luyện các mô hình AI mà vẫn đảm bảo được quyền riêng tư dữ liệu của mỗi bên, đồng thời mang lại tính minh bạch kết hợp một cơ chế khuyến khích cho các tổ chức tham gia huấn luyện mô hình AI.

Đức Lương cho biết, ý tưởng cho dự án được nhóm ấp ủ từ cuối tháng 7. Nhóm đã cùng nhau kết hợp để thực hiện 1 dự án hoàn chỉnh phục vụ nhằm tham gia cuộc thi Eureka 2021. Tuy nhiên, kết quả tại Eureka không được như mong muốn. Không nản lòng, nhóm đã tiếp tục nâng cấp thêm dự án để có thể nộp vào hội nghị NICS.

Quá trình tìm hiểu ngữ cảnh và phương hướng của đề tài kéo dài khoảng 1 tuần, đồng thời là giai đoạn thực nghiệm diễn ra trong khoảng hơn 2 tháng. “Vì lịch nộp bài ban đầu của hội nghị là 30/9 nên bọn mình đã phải chạy nước rút để có thể kịp deadline. Thời gian bọn mình dành ra để viết báo cũng như chỉnh sửa bằng Tiếng Anh chỉ vỏn vẹn trong 1 tuần cuối” - Đức Lương chia sẻ.

Tâm sự với UITNews về những khó khăn trong quá trình làm việc, Đức Lương bộc bạch: “Mình nghĩ ngoài những câu chuyện fix bugs ra thì có lẽ điều khá khó khăn trong mùa dịch này là bọn mình không được làm việc trực tiếp cùng nhau. Tất cả đều phải làm việc trực tuyến dưới sự hướng dẫn của thầy Phan Thế Duy. Theo lịch, mỗi tuần, nhóm phải thực hiện 1-2 buổi báo cáo tiến độ trực tuyến. Ở những tuần cuối, lịch họp còn dồn dập hơn vì cũng sát đến hạn nộp. Tuy chúng mình chưa gặp nhau lần nào ngoài đời nhưng vẫn làm việc và trao đổi khá ăn ý và vui vẻ với nhau. Đó là điều giúp nhóm có thể đạt được thành tích như ngày hôm nay”.

Được biết, dự định trong tương lai của nhóm là tiếp tục nghiên cứu về những công nghệ liên quan trong dự án với những kiến thức cập nhật hơn, chuyên sâu hơn với những cách tiếp cận mới. Các tập dữ liệu mới sẽ được thực nghiệm để mang lại cái nhìn phong phú hơn về mô hình triển khai của đề tài. “Đối với bọn mình, đây chỉ là bước đệm để giúp bọn mình tiến xa hơn nữa trong tương lai. Dự án sẽ được bọn mình trau dồi thêm với mong muốn sau này có thể được áp dụng trong thực tế” – nhóm dự án đồng thời nhấn mạnh.

PHƯỢNG AN