Sáng ngày 15/01, Hội thảo Khoa học tổng thể triển khai mô hình Đại học chia sẻ giai đoạn 2024 - 2035 thuộc Đề án Đại học chia sẻ đã diễn ra thành công tại Hội trường E, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, ĐHQG-HCM.
Tại hội thảo, PGS.TS Vũ Đức Lung đã điều hành hội thảo và phát biểu khai mạc “Mục đích chính của Đề án Đại học chia sẻ là tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực, giảm chi phí đầu tư cho giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo”.
Tham gia hội thảo về phía ĐHQG-HCM có PGS.TS Hồ Quốc Bằng - Phó Trưởng Ban đào tạo. Về phía lãnh đạo Nhà Trường có PGS.TS Vũ Đức Lung - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường, Chủ nhiệm Đề án; PGS.TS Nguyễn Lưu Thùy Ngân - Phó Hiệu trưởng. Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự góp mặt của TS. Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TS. Ngô Hồng Điệp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một cùng lãnh đạo của các trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trường ĐH Sài Gòn, trường ĐH Lạc Hồng, trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, trường ĐH Bách Khoa, trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn và các thầy cô từ các cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý học liệu, quản lý nhân sự, quản lý cơ sở vật chất.
PGS.TS Vũ Đức Lung phát biểu tại hội thảo
Hội thảo đã trình bày quá trình thực hiện và tổng thể các kết quả nghiên cứu của đề án, với các nội dung cụ thể như sau: Mục tiêu tổng quát của đề án; Giới thiệu Mô hình Đại học Chia sẻ; Chia sẻ học liệu và kế hoạch triển khai; Chia sẻ Cơ sở vật chất và kế hoạch triển khai; Chia sẻ nguồn lực con người và kế hoạch triển khai; Hạ tầng Công nghệ Thông tin và điều kiện triển khai.
TS. Nguyễn Ái Cầm chia sẻ tại buổi hội thảo
Trong 5 năm đầu tiên thực hiện, đề án sẽ được chia làm 2 giai đoạn: năm 2024 - 2025 triển khai mô hình cho 3 ngành đào tạo (3 cơ sở giáo dục chủ trì); năm 2026 - 2028 triển khai mô hình cho 8 ngành đào tạo (5 cơ sở giáo dục chủ trì). Ở mỗi giai đoạn triển khai, nhóm nghiên cứu đề xuất cần 3 bước: Chuẩn bị, vận hành, thử nghiệm và tổng kết, đánh giá.
Bên cạnh đó, Đề án cũng trình bày các đề xuất liên quan đến cơ sở pháp lý và các điều kiện đảm bảo triển khai mô hình Đại học chia sẻ, đặc biệt chú trọng xây dựng nền tảng, hạ tầng Công nghệ Thông tin bao gồm các phần cứng, mạng và phần mềm. Sau khi lắng nghe các kết quả nghiên cứu của Đề án, các đại biểu đã tiến hành thảo luận, chia sẻ ý kiến. Các đại biểu đánh giá cao mục tiêu, ý tưởng và các nội dung của Đề án và mong muốn tham gia vào hệ sinh thái chia sẻ cũng như được thụ hưởng các lợi ích của Mô hình này.
Cùng nhìn lại một số hình ảnh của hội thảo:
Như Ý