Skip to content Skip to navigation

Giải thưởng “Best Paper Award” vinh danh nhóm sinh viên UIT

Hội nghị chuyên đề quốc tế lần thứ 11 về Công nghệ Thông tin và Truyền thông (SoICT 2022) được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 1/12/2022 và tại Vịnh Hạ Long vào ngày 2-3/12/2022. Qua đó, hai bạn sinh viên đến từ khoa Khoa học Máy tính khóa 2019 đã nhận được giải thưởng bài báo xuất sắc (Best Paper Award) tại hội nghị SoICT2022 (the 11th International Symposium on Information and Communication Technology).

Bài báo được thực hiện bởi hai bạn sinh viên là Võ Khánh An (tác giả chính), Phạm Ngọc Tân (đồng tác giả), dưới sự hướng dẫn của TS. Lương Ngọc Hoàng và ThS. Nguyễn Bích Vân. Tên của bài báo là “Training-Free Multi-Objective and Many-Objective Evolutionary Neural Architecture Search with Synaptic Flow”.

Theo bạn Khánh An, “Bài toán nhóm nghiên cứu đi tìm hướng giải quyết là tìm kiếm kiến trúc mạng neural (neural architecture search - NAS). Đây là một bài toán có chi phí tính toán rất lớn vì cần phải đánh giá nhiều kiến trúc ứng viên trong quá trình tìm kiếm. Việc đánh giá chính xác hiệu năng cho mỗi kiến trúc ứng viên đòi hỏi hàng trăm - hàng ngàn epoch huấn luyện để có được bộ trọng số thích hợp rồi sau đó mới có được độ chính xác thực sự của kiến trúc đó”.

Thông qua đó, bài nghiên cứu cũng đề ra những giải pháp cho vấn đề này. Cụ thể, nhóm nghiên cứu sử dụng chỉ số dự đoán hiệu năng không qua huấn luyện (training-free performance metric) Synaptic Flow đã được đề xuất trong thời gian gần đây để ước lượng hiệu năng các kiến trúc mạng neural một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, khi thiết kế kiến trúc mạng neural trong thực tế, hiệu năng không phải là mục tiêu duy nhất mà các chỉ số về độ phức tạp của mạng cũng cần phải được xem xét. Nhóm nghiên cứu cũng khảo sát các phương pháp mô hình hóa cho bài toán Tìm kiếm kiến trúc mạng neural đa mục tiêu (multi-objective NAS), trong đó mỗi mô hình liên quan đến một chỉ số hiệu năng và một chỉ số độ phức tạp. Ngoài ra, nhóm cũng khảo sát mô hình giải quyết bài toán Tìm kiếm kiến trúc mạng neural nhiều mục tiêu (many-objective NAS). Nhóm xem xét 02 chỉ số hiệu năng cho mỗi mô hình bài toán: độ chính xác của kiến trúc (đòi hỏi quá trình huấn luyện mạng) và Synaptic Flow (không qua huấn luyện). Nhóm cũng sử dụng thuật toán NSGA-II để giải các bài toán Tìm kiếm kiến trúc mạng neural đã mô hình hóa, sau đó so sánh chất lượng của các kiến trúc thu được và hiệu quả của việc giải quyết từng mô hình. Kết quả thực nghiệm trên bộ benchmark NATS-Bench cho thấy những ưu điểm của phương pháp tiếp cận bài toán Tìm kiếm kiến trúc mạng neural nhiều mục tiêu bằng Thuật toán tiến hóa không qua huấn luyện (TF-MaOENAS) thu được các kiến trúc có hiệu năng cạnh tranh và chi phí tính toán hợp lý.

Đi cùng với thành tích mà nhóm nghiên cứu đã đạt được là sự đồng hành, hỗ trợ từ phía thầy cô hướng dẫn nói riêng và Nhà trường nói chung. Bạn Khánh An cho biết thêm: “Mình nhận thấy nhà trường rất tích cực trong việc tháo gỡ những khó khăn trong quá trình nghiên cứu khoa học của sinh viên bằng cách tổ chức nhiều cuộc thi, các buổi hội thảo nhằm giúp sinh viên trau dồi thêm kinh nghiệm, kiến thức. Song song đó, UIT cũng thường xuyên tổ chức các buổi giới thiệu, định hướng nghiên cứu, tạo điều kiện cho các bạn sinh viên tham gia vào các các nhóm nghiên cứu từ sớm, giúp các bạn tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu ngay từ năm nhất, năm hai. Tại các nhóm nghiên cứu, các thầy cô cũng sẵn sàng hướng dẫn tận tình và đồng hành cùng sinh viên trong suốt quá trình thực hiện đề tài của mình”.
SoICT 2022 là hội nghị chuyên đề quốc tế bao gồm các lĩnh vực nghiên cứu quan trọng như AI Foundation và Big Data, Truyền thông và Bảo mật mạng, Xử lý hình ảnh và ngôn ngữ tự nhiên, Kỹ thuật phần mềm và Công nghệ kỹ thuật số, Các xu hướng Công nghệ Tài chính và Blockchain. Tiếp nối thành công hội nghị chuyên đề SoICT 2019 khi đã nhận được bài báo từ 28 quốc gia, Hội nghị chuyên đề nhằm mục đích cung cấp một diễn đàn học thuật cho các nhà nghiên cứu và sinh viên sau đại học để chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới nhất của họ và xác định những thách thức về khoa học máy tính trong tương lai. Hội nghị chuyên đề bao gồm các bài hướng dẫn và bài phát biểu của các diễn giả đẳng cấp thế giới. Kỷ yếu SoICT 2022 được xuất bản và lưu trữ trong Thư viện Kỹ thuật số ACM như một phần của Chuỗi Kỷ yếu Hội nghị Quốc tế ACM (ICPS). SoICT 2022 cũng được lập chỉ mục bởi DBLP, Ei Compendex, Scopus và Clarivate Analytics Web of Science (ISI Web of Science).

Thu Hoài