Skip to content Skip to navigation

Công nghệ thông tin và Truyền thông là cốt lõi của Cách mạng Công nghiệp 4.0

Công nghệ thông tin và Truyền thông là cốt lõi của

Cách mạng Công nghiệp 4.0

Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2016 được tổ chức tại Davos, Thuỵ Sĩ đã chọn chủ đề là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần này dựa trên sự áp dụng rộng rãi của robot, trí tuệ nhân tạo và tích hợp toàn diện của các thiết bị thông minh vào cuộc sống.

Chủ đề chính chương trình nghị sự tại diễn đàn Kinh tế Thế giới 2016 được tổ chức tại Davos, Thuỵ Sĩ là cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4

Chúng ta đang sống trong một giai đoạn có sự phát triển công nghệ nhanh chóng và đặc trưng của nó là rất nhiều công việc hiện nay sẽ biến mất trong tương lai. Bên cạnh đó sẽ có nhiều việc mới được tạo lập. Theo báo cáo của Ngân hàng Anh Quốc vào năm 2015, sẽ có khoảng 95 triệu lao động chỉ tính riêng tại Vương Quốc Anh và Hoa Kỳ bị ảnh hưởng đến việc làm. Con số này tương đương với khoảng 50% lực lượng lao động. Trước đó GS. Frey và GS. Osborne thuộc Đại học Oxford cũng ước tính khoảng 47% công việc hiện nay sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Những ngành được dự đoán sẽ có ảnh hưởng lớn nhất liên quan đến các công việc có thể tự động hoá được như nhân viên văn phòng, hành chính hoặc các ngành liên quan đến sản xuất. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều ngành cần thêm lao động, đặc biệt các ngành liên quan đến quản lý, công nghệ và sáng tạo

Trước đó, cách mạng công nghiệp lần thứ nhất là sự xuất hiện của cơ khí hóa vào năm 1784 với máy chạy bằng thủy lực và hơi nước; thay sức người, sức ngựa bằng sức máy.

Cách mạng công nghiệp lần thứ hai xuất hiện năm 1870 với dây chuyền sản xuất hàng loạt nhờ điện và động cơ điện. Đến năm 1969, cách mạng công nghiệp lần thứ ba ra đời đánh dấu kỷ nguyên của máy tính và tự động hóa, còn được biết tới với tên gọi cách mạng số hóa.

 

Cách mạng công nghiệp 4.0 là kỷ nguyên vạn vật kết nối Internet.

Về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đánh dấu kỷ nguyên vạn vật kết nối Internet, có nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là sự tiếp nối cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra với tốc độ cao.

Nhìn lại các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, có thể nhận thấy đó là sự hội tụ của các công nghệ mới, khi đạt đến ngưỡng phát triển sẽ tạo sức bật, nền tảng sản xuất mới. Theo ông Bùi Thế Duy – Chánh Văn phòng đồng thời cũng là người phát ngôn của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) thì cách mạng công nghiệp 4.0 chính là sự hội tụ của nhiều công nghệ mới trong đó cốt lõi là công nghệ thông tin. Do đó, Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN thay vì Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) làm đầu mối triển khai nghiên cứu về cách mạng 4.0.

Chia sẻ về hướng tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, Chánh văn phòng Bộ KH&CN khái quát: "Như đã nói, cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 xảy ra dựa trên sự hội tụ của nhiều công nghệ trong đó có công nghệ cốt lõi có công nghệ thông tin với sự phát triển không ngừng của công nghệ Internet từ thời kỳ kết nối nội dung như email đến mạng xã hội, Internet vạn vật, Internet kết nối thiết bị máy móc kết nối quá trình vận hành của các nhà máy. Ngoài công nghệ cốt lõi còn có sự hội tụ của công nghệ in 3D, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ lưu trữ…".

Xe tự hành có thể được sử dụng phổ biến vào năm 2025. Ảnh minh họa: wordlesstech.com

Ước tính đến năm 2020, sẽ có 50 tỷ vật thể được kết nối Internet trên toàn cầu. Một ví dụ đơn giản mà nhiều người có thể tin tưởng cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến đó chính là ngôi nhà thông minh ở kỷ nguyên vạn vật kết nối Internet. Theo đó, ngôi nhà sẽ có "tai, mắt" thậm chí là cả "trí não". Thông qua lịch làm việc trên smartphone kết nối với ngôi nhà, các cảm biến sẽ dựa trên chỉ số huyết áp và nhịp tim của chủ nhân, từ đó căn nhà sẽ tự động chuyển từ thể loại nhạc rock yêu thích thường nghe sang giai điệu du dương. Trên thực tế, đó là hình mẫu ngôi nhà thông minh mà nhiều hãng công nghệ đang phát triển.

Ngoài ra, cách mạng công nghiệp 4.0 còn ghi nhận xe ô tô tự hành, trí tuệ nhân tạo, công nghệ in 3D… Thậm chí, ngay tại Olympic 2020 sắp tới, chủ nhà Nhật Bản dự kiến sẽ đưa đón quan khách, các vận động viên bằng xe tự hành, chạy bằng pin năng lượng mặt trời tới các điểm thi đấu.

Nguồn: vtvn.vn

Sưu tầm